Tôi đã cảm ơn người phụ nữ ấy và không hỏi thêm gì về người tôi vẫn hay gọi bằng bố. Ông ấy là một nhân viên chuyển phát thư. Mỗi sáng, tôi thường ngồi trên thành bồn tắm, nhìn ông ấy cạo râu và hỏi ông nhiều câu hỏi đại loại như: Hướng đông hay hướng nam? Có bao nhiêu người trên thế giới vậy bố? Ông ấy là người duy nhất luôn giải đáp những thắc mắc của tôi, cho dù đó là chuyện ngớ ngẩn gì.
Bố mẹ nuôi có con riêng. Họ không thiết tha việc có con cho lắm, vì gia cảnh nghèo khó. Họ không có của cải để chia sẻ với ai, kể cả đó là con ruột mình. Nghiễm nhiên, tôi cũng chẳng có gì. Năm đó dù mới lên 7, nhưng tôi đã chia sẻ rất nhiều công việc nhà. Tôi cọ sàn nhà, rửa bát đĩa và làm nhiều việc lặt vặt.
Hôm sau, người mẹ thật sự gọi điện cho tôi. Chỉ trong thời gian ngắn, chúng tôi đã có cơ hội gặp nhau. Bà ấy là một quý bà xinh đẹp và không bao giờ cười. Tôi đã từng gặp bà nhiều lần trước đây nhưng không biết đấy là mẹ mình.
Khi tôi nói: “Xin chào mẹ.” Bà đã nhìn chằm chằm vào tôi. Bà không bao giờ hôn, ôm tôi vào lòng và gần như chẳng trò chuyện nhiều với con gái mình. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với bà. Mãi cho đến vài năm sau, khi biết được vài chi tiết về cuộc đời mẹ, tôi đã rất đau đớn. Cho đến tận bây giờ, trái tim tôi càng đau thắt hơn mỗi khi nhớ đến mẹ. Nỗi đau của một cô gái trưởng thành bao giờ cũng lớn hơn gấp nhiều lần so với nỗi đau của một cô bé. Tôi đau cho mẹ và cả cho chính tôi. Mẹ kết hôn năm 15 tuổi và có hai người con trước khi sinh tôi. Công việc của bà là thợ cắt phim trong một studio. Hôm nọ, bà trở về nhà sớm thì phát hiện chồng mình đang ân ái với người phụ nữ khác. Đã có một trận cãi vã lớn xảy ra và người chồng tồi tệ của mẹ rời khỏi căn hộ mà họ đang sống.
Mẹ tôi đã suy sụp. Bà khóc lóc vì cuộc hôn nhân tan vỡ. Nhưng chuyện chưa dừng lại ở đó. Một ngày nọ, người đàn ông bội phản ấy quay về nhà bắt cóc hai người con của bà. Mẹ tôi đã dùng tất cả số tiền tiết kiệm đi khắp nơi tìm con. Bà rong ruổi suốt thời gian dài và cuối cùng lần được được dấu vết ở Kentucky.
Mẹ tôi không còn gắng gượng được khi gặp lại các con mình. Chồng cũ bà lúc này đã tái hôn và họ có một cuộc sống sung túc, hạnh phúc.
Mẹ tôi gặp lại gã đàn ông ấy. Bà không yêu cầu bất kì điều gì, thậm chí cả việc hôn từ biệt con mình. Bà đã ra đi như người mẹ trong bộ phim Stella Dallas để giữ gìn hạnh phúc cho cả gia đình họ.
Tôi nghĩ, hoàn cảnh nghèo khó buộc mẹ tôi phải làm vậy. Bà đã trông thấy hai con mình chơi đùa vui vẻ trong một ngôi nhà đẹp và mẹ tôi đã nhận ra mọi thứ đã không còn như trước. Cả gia đình họ bao gồm chồng cũ bà - vợ mới ông ấy và hai người con (dĩ nhiên của bà) đang thật sự sống hạnh phúc. Mặc dù là nạn nhân nhưng chỉ có mẹ tôi đơn độc với vai trò người thừa trong câu chuyện này. Bà không phải là người có tấn bi kịch duy nhất bên dòng họ ngoại. Ông ngoại tôi đã mất trong bệnh viện tâm thần ở Patton và mẹ ông - bà cố tôi cũng đã mất ở bệnh viện tâm thần Norwalk trong cơn la hét, cuồng loạn. Cậu tôi - người anh trai của mẹ chấm dứt cuộc đời bằng việc tự sát. Và còn có những linh hồn oan nghiệt khác nữa trong gia đình.
Mẹ tôi đã quay về Hollywood một cách đơn độc. Bà trở lại với công việc thợ cắt phim. Khi đó tôi chưa được sinh ra đời.
Mẹ đã gọi đến nhà bố nuôi trò chuyện cùng tôi và người đàn ông ấy đưa tôi đến thăm bà. Đó là ngày hạnh phúc nhất trong đời mà tôi không bao giờ quên được.
Tôi đã đến thăm mẹ. Bà đang trong tình trạng ốm đau, không đủ khả năng chăm sóc tôi vì còn phải lao đầu làm việc để không bị sa thải. Mẹ trả 5 Đô La một tuần cho người chuyển phát thư (trước đó là bố nuôi tôi) để con gái mình có được mái nhà tá túc. Thỉnh thoảng, tôi lại đến thăm bà và phần lớn các chuyến thăm viếng đều kết thúc bằng việc tôi sợ hãi ngồi trong chiếc tủ quần áo đặt tại phòng ngủ. Mẹ hiếm khi trò chuyện cùng tôi mà chỉ dừng lại ở câu nói: “Đừng làm ồn quá, Norma.” Bà luôn nói điều này, ngay cả khi tôi đang nằm trên giường vào ban đêm và đọc sách. Đến tiếng lật các trang sách cũng có thể khiến mẹ bồn chồn, lo lắng.
Có một thứ trong căn phòng của mẹ thu hút tôi. Đó là tấm ảnh treo tường độc nhất được đóng khung cẩn thận.
Mỗi khi đến thăm mẹ, tôi đều ngắm bức ảnh và cố nín thở, vì sợ bà sẽ không cho tôi nhìn quá lâu. Tôi chợt nhận ra, mọi người luôn có thói quen cản trở mỗi khi tôi say mê, yêu thích làm điều gì đó.
Lần này, mẹ bắt gặp tôi đang ngắm bức ảnh nhưng không la mắng. Thay vào đó, bà nhấc tôi đứng lên ghế, để tôi có thể trông rõ hơn.
“Đó là bố con đấy.” Mẹ nói.
Nghe đến đấy, tôi phấn khích đến mức muốn ngã khỏi ghế. Cảm giác thật tuyệt khi biết mình có một người bố. Tôi có thể nhìn vào bức ảnh bố và vui mừng khi nhận ra mình là con gái ông. Đó là bức ảnh tuyệt vời. Bố đội chiếc mũ lụp xụp lệch về một phía. Mắt ông như biết cười và ông có bộ ria mép mỏng giống Clark Gable. Tôi đứng đấy, cảm nhận thấy bức tranh sưởi ấm trái tim mình.
Mẹ nói tiếp: “Ông ấy mất trong một tai nạn ô tô ở New York.”
Lúc đó tôi có thể tin bất kì điều gì mọi người nói với mình, nhưng tôi không muốn tin điều này. Tôi không thể tin được, rằng mình chỉ mới vừa biết mặt bố được ít phút trước, mà giờ đã phải chấp nhận câu chuyện ông đã mất. Tôi hỏi mẹ bố tên gì. Bà không trả lời, lẳng lặng bước vào phòng ngủ và đóng cửa tự nhốt mình.
Nhiều năm sau, cuối cùng tôi cũng biết tên và thêm nhiều thông tin khác về bố. Tôi biết được bố sống cùng chung cư với mẹ, họ yêu nhau ra sao và ông ấy đã rời bỏ mẹ tôi trong hoàn cảnh nào. Đáng buồn thay, bố rời bỏ mẹ khi tôi đang được sinh ra và ông không bao giờ có cơ hội nhìn thấy con gái mình nữa.
Điều kì lạ là những câu chuyện về bố khiến trái tim tôi ấm áp hơn. Đêm tôi mơ thấy ông và giấc mơ đó lặp đi lặp lại có khi đến hàng nghìn lần. Đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy hạnh phúc khi biết về bố mình. Tôi luôn ấn tượng hình ảnh ông cười và cách ông đội chiếc mũ lệch. Tôi cảm thấy mình không cô đơn khi nghĩ về bố. Một năm sau, khi được sở hữu một cuốn sổ lưu niệm, bức ảnh đầu tiên tôi đưa vào là hình ảnh Clark Gable, chỉ vì ông trông rất giống bố tôi. Đặc biệt là cách đội mũ và bộ ria mép.
Tôi vẫn thường xuyên mơ mộng về bố thông qua hình ảnh Gable. Khi đi bộ từ trường về trong cơn mưa tầm tã, tôi sẽ giả vờ rằng bố đang đợi tôi ở nhà và ông sẽ la mắng con gái mình vì đã không mang ủng cao su. Điều đó khiến tôi tạm quên đi cảm giác tồi tệ. Bởi nơi tôi đang ở chẳng phải nhà mình. Đó chỉ là nơi tôi làm việc như một người hầu với đủ thứ công việc từ trông trẻ, rửa bát, giặt quần áo, cọ sàn nhà… và cả giữ im lặng.
Nhưng khi sống trong thế giới tưởng tượng, tôi sẽ có thể vượt qua sự thật đau lòng dễ dàng như con mèo lao mình qua lớp hàng rào chắn. Tôi vẫn tiếp tục sống trong giấc mơ có bố đang đợi mình ở nhà và tiếp tục cười hạnh phúc.
Tôi từng có giấc mơ kéo dài đến một tuần lễ. Khi đó tôi phải nằm viện vì bị biến chứng sau cuộc phẫu thuật cắt amidan. Tôi thấy mình cùng bố bước vào bệnh viện. Ông cùng tôi đến bên giường bệnh trước cặp mắt dò xét của những bệnh nhân khác. Có lẽ họ ghen tị khi thấy tôi có một vị khách đặc biệt đến thăm. Tôi thấy mình cúi người trên giường và bố hôn lên trán tôi. Rồi ông nói với tôi rất mực dịu dàng: “Con sẽ sớm khỏe lại trong vài ngày tới, Norma Jean. Bố rất tự hào vì con đã không khóc cả trong tình huống tệ nhất. Con mạnh mẽ hơn những cô gái khác.”
Tôi đã xin bố hãy ngồi xuống, cởi bỏ chiếc mũ để tôi có thể nhìn ông trọn vẹn. Nhưng không bao giờ tôi trông thấy hình ảnh đó trong giấc mơ dài của mình. Ông luôn xuất hiện với chiếc mũ trên đầu và không bao giờ ngồi xuống giường cùng tôi.
Khi từ bệnh viện trở về “nhà”, thể chất lẫn tâm hồn của tôi bỗng trở nên bi kịch thêm một lần nữa. Người đàn ông cạnh nhà đã rượt đuổi con chó mà tôi yêu quí nhất, chỉ vì nó sủa lên vui mừng khi thấy cô chủ nhỏ về đến nhà. Ông ta đã cầm cái cuốc trong tay và vung xuống. Cái cuốc phập vào lưng con chó, cắt lìa cả cơ thể đáng thương đó ra làm hai.
Sau đó, mẹ đã tìm cho tôi một gia đình khác tá túc. Cặp vợ chồng người Anh đã nhận 5 Đô La một tuần để cho tôi tạm trú trong ngôi nhà của họ. Lúc này tôi đã lớn hơn và có thể làm nhiều việc hơn.
Một ngày khác, khi đang rửa bát trong bếp, tôi nghe tiếng mẹ gọi. Tôi xoay người, trông thấy bà đứng nhìn tôi lặng người. Nước mắt mẹ rơi xuống khiến tôi rất ngạc nhiên không hiểu chuyện gì đang diễn ra.
“Mẹ sẽ xây một ngôi nhà để chúng ta có thể cùng sống ở đó.” Bà nói. “Nó sẽ được phủ sơn trắng và có cả sân sau.” Rồi bà rời đi thật nhanh trước sự ngỡ ngàng của tôi.
Điều mẹ nói là sự thật. Bằng cách nào đó, mẹ đã xoay sở được một khoản từ tiền tiết kiệm và vay mượn. Bà đã bắt đầu quá trình xây nhà. Hai vợ chồng người Anh và tôi được đưa đến xem ngôi nhà. Ngôi nhà nhỏ và trống rỗng không có nội thất nhưng rất đẹp và toàn bộ được phủ sơn trắng.
Bốn người chúng tôi cùng chuyển đến sống tại ngôi nhà màu trắng. Tôi có hẳn phòng riêng cho mình. Cặp vợ chồng người Anh không phải trả tiền thuê nhà và đổi lại họ phải chăm sóc tôi như từ trước đến nay. Tôi đã làm việc nhà rất chăm chỉ, nhưng điều đó không thành vấn đề. Vì đó là ngôi nhà đầu tiên của tôi và mẹ. Mẹ tôi bắt đầu sắm sửa nội thất trong nhà. Bà mua một chiếc bàn màu trắng có chân màu nâu, ghế, giường, rèm cửa… Tôi đã vô tình nghe mẹ nói: “Sẽ mất rất lâu mới có thể trả hết khoản nợ này. Nhưng đừng lo lắng, tôi đã nhận làm hai ca tại studio và mọi chi phí sẽ được thanh toán hết.”
Một ngày đẹp trời khác, cây đàn piano cũ đã xuất hiện trong nhà tôi. Mẹ đã mua lại nó để tặng cho con gái mình. Vâng, cây piano đó dành cho tôi. Ôi, tôi sẽ được học đàn piano. Sự xuất hiện của cây piano thật sự đánh dấu bước ngoặc quan trọng trong cuộc sống tôi thời điểm đó. Dù trông cũ kĩ không còn nguyên vẹn, nhưng đó là cây piano đặc biệt từng là vật sở hữu của ngôi sao điện ảnh Fredric March.
“Con sẽ chơi đàn piano bên ô cửa sổ. Và ở mỗi bên lò sưởi sẽ được đặt chiếc ghế đôi để những người sống trong nhà có thể thưởng thức tiếng đàn của con vào mỗi đêm. Ngay khi mẹ trả được các khoản nợ ban đầu, chúng ta sẽ có thể mua ghế.” Mẹ tôi nói với tôi trìu mến. Nhưng hai chiếc ghế không bao giờ có cơ hội xuất hiện trong ngôi nhà.
Một buổi sáng u ám, khi cặp vợ chồng người Anh và tôi đang dùng bữa điểm tâm. Chúng tôi nghe thấy một tiếng động lớn phía cầu thang bên ngoài nhà bếp. Đó là thứ khủng khiếp nhất tôi từng nghe thấy trong đời. Âm thanh là hỗn hợp giữa tiếng đập và tiếng thinh thịch cứ kéo dài dường như đến vô tận.
“Có thứ gì đó rơi xuống cầu thang”. Tôi nó với cặp vợ chồng người Anh.
Người phụ nữ không cho tôi tiến đến gần cầu thang. Riêng chồng bà đi ra ngoài và xem xét mọi thứ.
“Chú đã gọi cảnh sát lẫn xe cứu thương đến.” Ông ấy nói.
Tôi hỏi có phải mẹ tôi đã gặp vấn đề gì không.
“Đúng vậy. Nhưng con không nên gặp bà ấy lúc này.” Ông ấy đáp lời.
Tôi ở trong bếp lắng nghe từng tiếng động một. Tôi biết rất nhiều người đã đến nhà và cố gắng đưa mẹ tôi đi. Không một ai trong số họ muốn tôi nhìn thấy bà lúc này. Họ bảo tôi: “Con hãy ở yên trong bếp như một cô bé ngoan. Mẹ con vẫn ổn. Không có gì nghiêm trọng xảy ra cả.”
Nhưng tôi đã cãi lời họ, bước ra ngoài nhìn vào căn phòng lớn. Tôi trông thấy mẹ đang đứng đó hét lớn và cười. Mọi người đã đưa bà đến bệnh viện tâm thần Norwalk. Tôi mơ hồ nhớ tên bệnh viện là Norwalk. Đó cũng chính là nơi ông ngoại và bà cố tôi được đưa đến khi họ bắt đầu phát bệnh trong cơn la hét và cười không kiểm soát được.
Tất cả đồ đạc trong ngôi nhà dần bốc hơi. Không còn chiếc bàn trắng, ghế, giường và cả rèm cửa. Cả cây piano cũng không còn.
Cặp vợ chồng người Anh cũng không còn ở đấy. Riêng tôi được đưa từ ngôi nhà còn phảng phất mùi sơn mới đến thẳng trại trẻ mồ côi. Nơi đó tôi được cấp cho một chiếc váy màu xanh lam, áo sơ mi trắng và đôi giày có đế nặng trịch. Rất lâu sau đó, tôi vẫn nằm trên giường ngủ mỗi đêm nhưng không còn tinh thần để mơ mộng điều gì khác. Tôi bị ám ảnh bởi âm thanh nơi cầu thang, tiếng hét, tiếng cười lúc đoàn người đưa mẹ ra khỏi ngôi nhà mà bà đã cố gắng xây dựng cho con gái mình.
Tôi không bao giờ quên được kí ức về ngôi nhà phủ sơn trắng và nội thất bên trong. Nhiều năm sau, khi đã kiếm được tiền từ công việc làm người mẫu, tôi bắt đầu hành trình tìm kiếm cây đàn piano của Fredric March. Một năm sau, tôi đã tìm thấy và mua lại cây piano trong một phiên đấu giá.
Tôi vẫn đặt cây piano trang trọng trong ngôi nhà ở Hollywood. Cây piano đã được phủ lớp sơn trắng dễ thương, thay dây mới bên trong và có thể chơi những thanh âm tuyệt vời như bất kì cây piano nào trên thế giới.
Trích dịch từ tự truyện My Story của Marilyn Monroe
0 Nhận xét