Nhiều người cho rằng, công việc của một nhiếp ảnh gia thường rất dễ dàng vì hàng ngày được tiếp xúc với những người đẹp, còn mọi thứ khác đều được công nghệ hỗ trợ tối đa. Thế nhưng đối với Samuel Hoàng, phía sau công việc của một nhiếp ảnh gia còn có nhiều vấn đề lo lắng hơn mà chỉ người trong cuộc mới có thể hiểu được...
PV: Là một nhiếp ảnh gia, cảm hứng chính là chất xúc tác để có thể tạo nên một bức ảnh đẹp. Vậy những khi muốn tìm cảm hứng mới trong công việc, anh thường làm gì?
Cảm hứng nhiếp ảnh của tôi thường đến tự nhiên từ những điều tưởng chừng như đời thường nhất xung quanh cuộc sống. Có thể là một bộ phim hay, một bài hát ấn tượng hoặc một cuốn sách tôi đọc vào thấy tâm đắc. Nếu bạn cứ đi tìm cảm hứng để làm việc thì rất khó, thay vì thế tôi nghĩ bản thân chúng ta nên thả lỏng bản thân để lúc nào cũng có thể hoàn thành công việc được tốt.
Tôi thường tìm đến âm nhạc nhiều nhất khi cần thư giãn và cũng khá kén chọn khi chỉ nghe âm nhạc được hát từ những ca sĩ có chiều sâu về cảm xúc. Tôi yêu giọng hát của chị Mỹ Linh và cũng rất thích âm nhạc của anh Quốc Trung. Những nghệ sĩ này luôn mang đến cho tôi cảm xúc trong suốt 10 năm liền làm nghề, vì ngay chính bản thân họ cũng không ngừng chuyển động sáng tạo trong nghệ thuật mỗi ngày. Khi có cảm xúc, tự khắc ý tưởng chụp ảnh sẽ đến rất tự nhiên.
PV: Đó là những cảm hứng đến từ nghệ thuật, vậy còn cảm hứng đến từ con người thì sao? Đã có “nàng thơ” nào từng mang đến sự sáng tạo cho anh không?
Trước đây tôi vẫn hay thường chọn cho mình những “nàng thơ”. Cho đến tận bây giờ, Linh Nga vẫn luôn mang đến cảm hứng mỗi lần tôi có dịp gặp mặt cô ấy. Linh Nga hội tụ vẻ đẹp rất thanh thoát, tri thức và cô ấy còn có vẻ đẹp đến từ niềm đam mê với nghề múa. Chỉ cần Linh Nga đứng trước mặt là tôi lại thấy rất nhiều nét đẹp khác nhau mà cho dù khai thác đến bao nhiêu cũng không đủ. Tôi với Linh Nga đã từng rất nhiều lần lang thang trong rừng hoặc các khu phố, để ghi lại nhiều khoảnh khắc rất “đời”. Bản thân tôi cũng như Linh Nga đến giờ vẫn còn lưu giữ những hình ảnh đó. Vì đó là sự ghi dấu của thời thanh xuân tươi đẹp mà chúng tôi sẽ không khi nào quay lại được.
Nhưng đó chỉ là trước kia, còn hiện tại tôi có quan điểm thoáng hơn về định nghĩa “nàng thơ”. Tôi nhận ra rằng “nàng thơ” có phải là của mình hay không là do chính bản thân mình quyết định.
PV: Chúng ta đã bàn đến cảm hứng và ý tưởng. Nhưng rõ ràng, từ cảm hứng và ý tưởng ban đầu cho đến khi ra mắt một bức ảnh hoàn chỉnh cần phải qua rất nhiều công đoạn khác nữa. Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về những công đoạn này?
Công việc của nhiếp ảnh gia giống như kiến trúc sư hay đầu bếp vậy. Sau khi có ý tưởng, bạn phải tự mình lên cấu trúc công việc thật cụ thể. Càng làm trong nghề lâu, bạn sẽ càng nhận ra mỗi người mẫu, chuyên gia make-up, stylist, nhà thiết kế… có những điểm mạnh và điểm yếu riêng biệt. Mấu chốt vấn đề ở đây là tìm ra người phù hợp để tạo chất lượng tốt nhất cho bộ ảnh. Đối với ảnh bìa tạp chí đòi hỏi sự xuất hiện của một nghệ sĩ, bạn còn phải thật nhạy để biết được khán giả đang thích ai. Sau quá trình lựa chọn nhân lực, tất cả sẽ cùng ngồi lại để thống nhất nội dung công việc. Với tính chất làm việc theo nhóm, bạn phải biết tôn trọng ý kiến chung của mọi người. Vì vậy, sản phẩm sau cùng chính là sản phẩm đại diện cho một tập thể chứ không của một cá nhân nào cả. Bản thân tôi cũng chỉ là người góp phần công sức hoàn thành hình ảnh mà thôi. Trong những lúc bận rộn đó, tôi thường dùng điện thoại để phác thảo những chi tiết cần lưu ý của buổi chụp ảnh thay cho việc phải kè kè bên mình bút và sổ. Nó giúp tôi lưu trữ thông tin nhanh gọn và dễ dàng xem lại bất cứ lúc nào.
PV: Mỗi nhiếp ảnh gia đều có nguyên tắc riêng khi làm việc. Vậy nguyên tắc của anh là gì?
Nguyên tắc bất di bất dịch trong khi làm việc của tôi là phải thật tập trung và kiểm tra mọi thứ cẩn thận trước khi bắt đầu công việc bằng cách mở xem lại các ghi chú. Tôi may mắn từng được học và làm việc tại nước ngoài nên được đi theo chu trình chuyên nghiệp từ những ngày đầu. Thế nhưng tôi cũng phải trải qua nhiều sự cố nhớ đời để rút ra bài học cho riêng mình. Tôi nhớ mãi một lần làm việc cách đây nhiều năm, tôi phải chụp ngoại cảnh vì thế cần di chuyển rất nhiều. Thế nhưng tôi lại không lường trước được vấn đề về thời tiết hay thời gian di chuyển giữa các địa điểm. Do vậy, buổi chụp ảnh phải mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Đó là những bài học kinh nghiệm quí giá mà không trường học nào dạy tôi cả.
PV: Hiện nay, có nhiều nhiếp ảnh gia đang đi theo hướng chụp ảnh bằng điện thoại thay vì dùng máy chuyên dụng. Nhiều ý kiến cho rằng, điều này đã làm phá vỡ các nguyên tắc chụp ảnh chuyên nghiệp từ trước đến nay. Bản thân là người làm nghề, anh nghĩ gì về ý kiến này?
Trên thế giới có rất nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chỉ dùng điện thoại để chụp ảnh. Thế nhưng ảnh của họ vẫn được phóng to, trưng bày trong những bảo tàng nghệ thuật đấy thôi. Tôi còn biết có một nhiếp ảnh gia người Đức, đã chụp một bộ ảnh nude nghệ thuật và được tạp chí Vogue danh tiếng mua để đăng lại bởi vì nó quá đẹp. Điều đó đã chứng minh thêm một lần nữa rằng, để có một bức ảnh đẹp chúng ta nên nhìn vào kết quả chứ đừng câu nệ nó được chụp bằng gì.
Tôi chỉ nghĩ đơn giản, hiện nay hệ thống camera trên điện thoại đang được các hãng sản xuất liên tục nâng cấp. Nếu như trào lưu chụp ảnh bằng điện thoại không tạo ra hiệu ứng tích cực và cho ra kết quả tốt thì họ đã không làm như vậy. Riêng tôi, tôi luôn thích chụp ảnh bằng chiếc điện thoại của mình vì nó giống như một chiếc máy ảnh chuyên nghiệp vậy. Nó có thể chụp chế độ HDR tự động theo thời gian thực, chống rung quang học thông minh, tự động cân bằng trắng…
PV: Rất tâm đắc với nhiều bức ảnh được chụp bằng điện thoại, vậy anh đã có tác phẩm nào cho riêng mình chưa?
Có một bức ảnh rất tâm đắc được tôi chụp bằng điện thoại trong chuyến công tác tại Mông Cổ. Khi đang di chuyển trên cao nguyên cùng ekip đến nơi chụp, tôi bắt gặp một gia đình người Mông Cổ đèo nhau trên một chiếc xe thồ, chở theo những bộ lông cừu để đi đến chợ sớm. Ở vùng cao khi đó ánh sáng lại rất trong và ngay lập tức tôi đã dùng chính điện thoại của mình để chụp lại. Khi về, tôi rửa bức ảnh ấy ra và đến giờ vẫn treo trong nhà. Đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất mà tôi đã từng lưu giữ được trong ảnh chụp của mình.
Bản thân tôi đã từng có một triển lãm tại Kyoto (Nhật Bản) và Bắc Kinh (Trung Quốc). Thế nhưng trong 3 năm trở về Việt Nam làm việc, tôi lại chưa có dự án nào nên tôi đang ấp ủ đến ba dự án. Một trong số đó sẽ là buổi triễn lãm những bức ảnh đen trắng mà tôi chụp bằng chiếc điện thoại của mình và tên của nó sẽ là “Cuộc sống đa màu”. Mọi người cứ nghĩ ảnh đen trắng chỉ có hai màu đen và trắng. Thế nhưng, ảnh đen trắng thật sự chứa nhiều màu hơn chúng ta tưởng: màu của ánh sáng, màu của hạnh phúc, màu của cuộc sống đời thường… Khi có sự hỗ trợ đắc lực từ chiếc điện thoại mang đậm dấu ấn cá nhân của mình thì tôi tin dự án sẽ sớm thành hiện thực.
PV: Cám ơn anh về buổi trò chuyện này.
RAY
0 Nhận xét